Công nghiệp hóa là gì? Các mục tiêu phát triển ở nước ta hiện nay

Ngày nay, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là mục tiêu hàng đầu mà Nhà nước đang hướng đến. Vậy, công nghiệp hóa là gì? Công nghiệp hóa ở nước ta có đặc điểm ra sao? Nội dung chi tiết được giải đáp ngay sau đây.

Công nghiệp hóa là gì?

Trong tiếng Anh, công nghiệp hóa có nghĩa là Industrialization. Theo nghĩa hẹp, thuật ngữ này được hiểu là xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cụ thể từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang nền kinh tế công nghiệp. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp với số lượng giảm dần sang công nghiệp với số lượng lớn hơn.

Theo nghĩa rộng, công nghiệp hóa là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, từ một xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp, cho đến nền văn minh nông nghiệp chuyển sang nền văn minh công nghiệp.

Các loại hình công nghiệp hóa ở nước ta

Ở nước ta hiện nay, công nghiệp hóa được thực hiện dưới nhiều hình thức và mô hình khác nhau, trong đó có thể chia thành 2 loại hình lớn như:

– Công nghiệp hóa truyền thống: Chính là công nghiệp hóa cổ điển ở các nước phương Tây (cuối thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XX) được hoàn thành ở một số nước. Công nghiệp hóa dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung ở các nước XHCN trong thế kỉ XX.

– Công nghiệp hóa kiểu mới: Loại hình công nghiệp hóa được tiến hành từ những năm 60 từ thế kỉ trước đến nay và vẫn đang tiếp diễn.

Dựa vào những mặt tiêu cực và trở ngại của loại hình công nghiệp hóa cổ điển và những thành công của những nước đi theo con đường công nghiệp hóa diễn ra sau đó, mỗi quốc gia có thể rút kinh nghiệm. Từ đó, tạo ra loại hình kinh tế kiểu mới giúp nhanh chóng và gắn kết với yêu cầu của nền kinh tế kiểu mới.

Đặc điểm của công nghiệp hóa kiểu mới

Mỗi quốc gia đưa ra những yêu cầu về phát triển công nghiệp hóa khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo những đặc điểm cơ bản sau:

– Khắc phục những mặt hạn chế của công nghiệp hóa cổ điển như trì hoãn thời gian, bất công trong xã hội, lãng phí vật chất, tác động xấu đến môi trường…

– Phát triển song song công nghiệp hóa với hiện đại hóa, kinh tế với công nghệ, tiếp cận với tri thức, phát triển các ngành công nghệ cao.

– Phát triển bền vững, song song cả về kinh tế – xã hội với môi trường, bảo vệ an ninh.

Mục tiêu phát triển công nghiệp hóa ở Việt Nam


Nước ta vẫn đang trên đà đổi mới để phát triển công nghiệp hóa đất nước đạt mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế như đã đề ra. Trong đó, định hướng nền kinh tế công nghiệp với việc tiếp thu trang thiết bị, máy móc công nghệ cao, dịch vụ hiện đại.

Bên cạnh đó, nguồn lao động trong thời kỳ đổi mới cũng được đào tạo có trình độ chuyên môn cao nhằm đạt được mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức. Đặc biệt là hướng đến sự tiếp thu và áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại vào trong sản xuất.

Việt Nam đang đẩy mạnh những mục tiêu cụ thể như sau:

– Chuyển dịch công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

– Phát huy những thế mạnh có sẵn ở ngành nông, lâm, ngư nghiệp gắn liền với các ngành chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm.

– Giảm tỷ trọng lao động ở lĩnh vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động ở các ngành công nghiệp và dịch vụ.

– Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ chế tác…

– Sản xuất ra nhiều sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

– Chú trọng đến ngành dịch vụ để hội nhập kinh tế quốc tế, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

– Rút ngắn thời gian để bắt kịp với trình độ phát triển của các nước.

– Nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo công bằng xã hội, định hướng XHCN.

– Giữ gìn và cải thiện môi trường, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Công nghiệp hóa là gì? Qua những thông tin chia sẻ, hi vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về khái niệm này. Từ đó, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.